(Bài viết này chỉ phù hợp cho các startup truyền thống, không dành cho các startup kiểu đốt tiền trước rồi kiếm tiền sau vì tôi chưa từng trải qua mô hình này.)
Nhiều người nói với tôi rằng em muốn làm kinh doanh mà không có tiền, em muốn cưới vợ mà chưa có tiền. Hoặc khi tôi hỏi “Khó khăn của em là gì?” thì hầu hết đều trả lời khó khăn của em là thiếu vốn. Nhưng khi tôi hỏi “nếu tiền không phải là vấn đề” thì em có làm được không? => nhiều người sẽ không dám trả lời hoặc trả lời “Em không biết”.
Khởi nghiệp không nhất thiết phải có nhiều tiền mới thành công, quan trọng là sử dụng tiền hợp lý. Thậm chí càng ít tiền càng thành công vì nếu bạn được đặt hoàn cảnh “tiền không phải là vấn đề’’ thì chắc chắn doanh nghiệp của bạn sẽ không lớn được và sẽ sớm sụp đổ.
Hãy tham khảo một số cách sử dụng vốn của tôi dưới đây xem bạn có áp dụng được gì không nhé?
NÊN
Thứ 1: Tập trung vào một mục tiêu
Đừng nghe câu “không nên đổ trứng vào một rổ” rồi đem tiền rải tùm lum, lan man quá nhiều thứ. Nên dồn toàn lực cho một mặt hàng để làm cho thật tốt về chất lượng và có sản lượng lớn để lấy uy với NCC (nhà cung cấp), phục vụ nhanh nhất khi khách hàng cần. Nếu bạn rải tiền của bạn quá nhiều nơi sẽ làm cho bạn không có bản sắc, không có chiều sâu và rơi vào tính cảnh “cái gì cũng có mà không có cái gì” như đã đề cập ở bài 1. Bạn nên phân biệt rõ ĐẦU TƯ và KINH DOANH nhé. Câu nói trên chỉ phù hợp với hoạt động đầu tư, nó hoàn toàn không hợp với hoạt động kinh doanh.
Thứ 2: Đầu tư cho đội ngũ
Thông thường khi khởi nghiệp doanh nghiệp bạn nhỏ xíu rất khó tuyển nhân sự. Thay vì rải tiền lan man thì hãy đầu tư cho đội ngũ của bạn có mức thu nhập khá một xíu vì họ đã “chịu đầu quân’’ cho công ty nhỏ, đầu tư cho họ học thêm để rèn luyện kỹ năng… Đó là cách để xây dựng đội ngũ, kéo họ tới và giữ họ ở lại với mình, đội ngũ có giỏi thì công ty mới phát triển và lớn mạnh được. Công ty thì bé xíu, điều kiện làm việc thì khắc khổ, thu nhập thì thấp, học hỏi thì không được gì, tương lai thì mịt mờ... đến bạn còn không muốn làm việc cho công ty của bạn nói gì người khác? Vì vậy, hãy đầu tư cho đội ngũ cộng sự càng nhiều càng tốt.
Thứ 3: Tiền mặt là vua
Khi bạn khởi nghiệp, bạn chưa có gì trong tay, thậm chí nợ nần khắp nơi nên nói chẳng ai nghe, làm chẳng ai tin, thậm chí bạn còn bị người thân, bạn bè xa lánh. Vì vậy, hãy giữ uy tín của mình bằng mọi giá bằng cách trả nợ đúng hạn, sòng phẳng, thậm chí chi tiền trước kiểu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Những năm đầu khởi nghiệp tôi luôn cố gắng thanh toán cho NCC nhanh nhất có thể, kể cả công nợ chưa tới hạn. Có những thời điểm cuối tháng khi khách hàng thanh toán nhiều thì tôi còn chủ động chuyển khoản trước cho NCC và lấy hàng sau với lý do “ Tiền em để trong tài khoản nó không có lợi gì, em chuyển trước cho anh mua nguyên liệu rồi sau này trừ dần’’. Những “hành động đẹp” đó của tôi đã đánh gục cả những NCC khó tính nhất và sau này có những lúc cty tôi gặp khó khăn về tài chính thì NCC cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ và họ luôn cảm thấy yên tâm về chúng tôi.
Thứ 4: Tập trung nguồn lực
Khi mới thường quy trình, hệ thống của bạn chưa mạnh, đội ngũ nhân lực mỏng, có nhiều người còn phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Vì vậy bạn không nên tách nhà xưởng một nơi, kho hàng một chỗ, văn phòng một nẻo làm phát sinh chi phí nhân sự, chi phí quản lý và chi phí thuê mướn. Hãy tập trung lại để cắt giảm tối đa chi phí, tập trung nguồn lực.
ĐỪNG
Thứ 1: Văn phòng làm việc hoành tráng
Nếu không thật sự cần thiết thì bạn không nên đầu tư quá hoành tráng. Tôi có anh bạn hồi đó khởi nghiệp cùng thời điểm, lĩnh vực kinh doanh, đối tượng khách hàng, NCC na ná nhau. Anh đầu tư văn phòng bài bản, hoành tráng, máy tính, máy in, máy photocopy toàn hàng xịn. Anh chê tôi lôi thôi, lọ mọ nhìn không sang, làm ăn không chịu đầu tư, đến cái phòng giám đốc cũng không có phải ngồi làm việc trong kho hàng với nhân viên, tên thì Thế Giới Giấy mà bèo quá... Hơn 2 năm sau anh ấy phá sản và “nướng” luôn căn nhà của bố mẹ ở đường Phạm Văn Chiêu trị giá 14 tỷ đồng. Nhưng tôi đến giờ tôi vẫn đang bước tiếp đến năm thứ 12. Khách hàng không quan tâm bạn có văn phòng đẹp hay xấu, họ chỉ quan tâm bạn mang lại giá trị gì cho họ; NCC cũng không quan tâm văn phòng của bạn to hay nhỏ, họ chỉ quan tâm đến việc bạn mua được bao nhiêu hàng. Chúng tôi nhẩm tính trong suốt hơn 11 năm qua TGG chưa tiếp quá 100 khách hàng tại văn phòng, trong khi đó chúng tôi có tới 15,000 khách hàng tổ chức.
Thứ 2: Đầu tư vào xe cộ
Không nên đầu tư tiền vào những thứ tài sản không tạo ra giá trị gia tăng như xe tải, xe hơi. Nếu bạn chưa có tiền dư giả thì không nên đầu tư xe hơi, nó chỉ giải quyết được khâu OÁCH trong thời gian đầu khi bạn mới có xe. Bụng thì đói, doanh nghiệp thì teo tóp mà suốt ngày mặc vest đi xe hơi nhìn bạn chẳng khác gì ĐA CẤP. Đừng có lấy mấy thứ hào nhoáng viển vông, tào lao gắn vào bạn, nhìn nó rất gượng ép. Hãy đi xe máy, taxi, thậm chí Grab bike như tôi, không sao cả. Quan trọng là bạn và tôi ai đến được với khách hàng trước chứ không phải đến bằng phương tiện gì.
Đặc biệt không nên đầu tư xe tải làm gì cả, Thế Giới Giấy hiện tại mỗi ngày có hàng chục chiếc xe đang chạy khắp mọi nẻo đường nhưng chúng tôi chẳng sở hữu chiếc xe nào cả. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mờ sáng ra tài xế gọi “Anh ơi bây giờ chung 1 triệu hay là để giam xe 30 ngày?’’; Bạn sẽ gặp cảnh mua xe xong để nằm đó rồi vẫn đi thuê xe tải; Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp xe của bạn sáng chở đi nửa xe, chiều chở về đầy xe, trong khi xe đi thuê ngày nào cũng về sớm chưa?... Tất cả những trường hợp đó sẽ làm bạn tốn rất nhiều tiền chết một chỗ, suốt ngày đi giải quyết việc nhỏ, chẳng làm được việc gì ra hồn. Đừng có nghe ai đó nói đầu tư xe tải tháng tiết kiệm được dăm mười triệu, sau khi khấu hao xong xe thuộc về mình bán vẫn lời. Đừng làm tất ăn cả, đừng dành việc của người khác, xã hội đã có sự phân công lao động hết rồi, mỗi người một việc.
Thứ 3: Thấy lớn nên ham
Khi nguồn lực tài chính của bạn đang yếu, nếu bạn thấy có dự án lớn mà bạn ham rồi nhảy vào và mắc kẹt ở đó sẽ rất nguy hiểm. Bạn sẽ không còn tiền để thanh toán cho NCC, không còn vốn lưu động để xoay, không còn hàng tồn để phục vụ những khách hàng nhỏ hơn. Như vậy tiền ở dự án lớn thì chưa lấy được, khách hàng thì mất dần, NCC thì siết, đến khi bạn lấy được tiền ở dự án lớn thì công ty bạn đã... phá sản lâu rồi. Hãy tỉnh táo, mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, mèo lớn bắt chuột lớn, đừng có đưa mèo con đi bắt chuột cống nguy cơ bỏ mạng rất cao. Hồi năm 2011 khi đó có một đối tác đưa cho tôi hợp đồng tới 400tr/ tháng, lợi nhuận tính toán rất khủng tới 20%, công nợ 30 ngày. Nhưng sau vài ngày tính toán tôi quyết định từ chối cơ hội vì nếu dồn toàn lực vào đó sẽ quá nguy hiểm, nếu trục trặc giấy tờ thời hạn thanh toán có thể kéo dài lên 45-60 ngày thì TGG dẹp tiệm là cái chắc. Cho đến giờ tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn và dũng cảm.
Bạn đừng nghĩ khôn là vẽ ra cho nó hoành tráng để cho dễ lừa, dễ mời gọi nhà đầu tư hoặc đầu tư vào để có tài sản rồi định giá cao lên... Xin lỗi bạn đi, nhà đầu tư họ đã có tiền để đầu tư cho bạn thì họ đã hơn bạn cả một cái đầu. Chỉ có nhà đầu tư qua mặt bạn chứ bạn không dễ để qua mặt nhà đầu tư. Tôi sẽ viết sâu hơn vấn đề này ở bài tiếp theo.
Những gợi ý trên đây chỉ hợp với những khởi nghiệp kiểu truyền thống, cần cù lọ mọ mà lên. Nó không phù hợp với các dự án kiểu vẽ ra cho nó bóng bẩy, hoành tráng rồi đi thuyết trình mời nhà đầu tư rót tiền vào.
Hãy thả tuym và còm men để tôi biết bạn vẫn còn hứng thú đọc các bài tiếp theo. Và nếu hữu ích thì tag thêm bạn bè, biết đâu giúp được ai đó!
Bài 8 sẽ là “Gọi vốn đầu tư bằng cách nào?”.
[FROM MR. MAI QUỐC BÌNH - CEO THẾ GIỚI GIẤY]