BÀI 9: ĐIỀU KIỆN ĐỦ ĐỂ LÀM CHỦ MỘT DOANH NGHIỆP (phần 1)

(Bài này rất dài vì tôi muốn viết chi tiết một xíu với hy vọng có thể giúp bạn phần nào thay đổi được mình, giúp bạn vượt qua cái bóng của mình làm được cái gì đó cho đời).

Đến bài này rồi tôi vẫn không có ý khuyên các bạn nên nghỉ việc để khởi nghiệp kinh doanh. Khởi nghiệp không chỉ có màu hồng, đó là thử thách đầy chông gai và khốc liệt, đó là một cuộc chiến đẫm máu không hơn không kém. Đừng khởi nghiệp vì phong trào, đừng khởi nghiệp theo nghị định của… Chính phủ. Vì sự hào nhoáng của hai chữ DOANH NHÂN đã biến nhiều bạn trẻ trở thành con nợ già dơ.

Các bài từ 1 đến 7 (và phần nào đó là bài 8) được xem là các điều cần thì bài 9 này được xem là điều kiện đủ để bạn bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình. Điều kiện đủ đó CHÍNH LÀ CON NGƯỜI BẠN.

Đầu tiên, hãy kiên trì và kiên cường chiến đấu
Thường một người khi khởi nghiệp sẽ có rất nhiều khó khăn bủa vây. Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, vốn, ngân sách hoạt động, các mối quan hệ… cái gì cũng thiếu, cái gì cũng yếu nên phải làm nhiều việc. Vì vậy bạn hãy kiên trì và kiên cường để chiến đấu, không được bỏ cuộc. Đã là doanh nhân thì hãy chiến đấu như một chiến binh, đã ra chiến trường thì “da ngựa bọc thây quay trở về’’. Nếu không có tố chất tiền đề này thì tôi khuyên bạn đừng khởi nghiệp tiền mất tật mang. Những người khởi nghiệp lần đầu đều phải cày cật lực thì may ra mới thành công, đừng nghe ai đó mới khởi nghiệp mà nói "anh có hệ thống nó tự chạy hết". Những ông này là Vinabocphet (cháu của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet), tôi cá với bạn mấy ông này cty nhỏ xíu, họ đang cố làm ra cho nó bóng bẩy để dụ bạn góp vốn hoặc thuê họ tư vấn/ đào tạo gì đấy. Nếu bạn phản đối thì hãy chỉ cho tôi một người, tôi xin phép vái họ một cái.

Thứ 2, có mục tiêu lớn và tầm nhìn xa.
Hãy đặt các mục tiêu lớn để vượt qua các khả năng và giới hạn của mình. Nếu bạn đặt mục tiêu quá nhỏ thì bạn dễ dàng vượt qua, khi vượt qua rồi sẽ không còn động lực để chiến đấu. Từ khi còn đi học cho đến ngày hôm nay, khi làm bất cứ việc gì, ở bất kỳ vị trí công việc nào tôi luôn tự đặt mục tiêu cho mình phải trở thành số 1 ở vị trí đó. Đó có thể là công việc phục vụ nhà hàng, phát tờ rơi hay công việc bán hàng… có thể tôi chỉ đứng ở thứ 2, 3, 4, 5… nhưng máu, quyết tâm, ý chí của tôi luôn phải là số 1.
Khi còn là sinh viên tôi phải đi phỏng vấn 3 lần mới trúng tuyển vị trí “Nhân viên tư vấn bán hàng” của hệ thống cửa hàng điện thoại NETTRA. Khi phỏng vấn lần 3 anh Đạt nhân sự hỏi tôi “Sao em phỏng vấn rớt hai lần rồi mà vẫn cố làm gì?”. Tôi trả lời “Nếu anh tuyển em thì anh sẽ không thất vọng, em sẽ trở thành nhân viên tư vấn bán hàng xuất sắc nhất của cty anh, giọng của em hơi khó nghe nhưng sẽ có nhiều người muốn nghe”, thế là tôi được tuyển. Khi vào làm được gần 02 tháng tôi là người đầu tiên trong công ty bán được đơn hàng tới 82 chiếc điện thoại Nokia N72 – Một siêu phẩm ĐT thời bấy giờ và đương nhiên tôi trở thành NV bán hàng xuất sắc nhất công ty. Trong vòng 8 tháng tôi thăng tiến từ NV tư vấn bán hàng lên cửa hàng trưởng rồi lên Giám sát các cửa hàng và sau đó nghỉ việc, thi tốt nghiệp đại học và bước sang một ngã rẽ mới – Khởi nghiệp với Thế Giới Giấy (TGG).
Khi bắt đầu với TGG vào năm 2009 tôi đặt mục tiêu trong vòng 10 năm sẽ trở thành nhà cung cấp giấy số 1 cho các cơ quan, tổ chức. Sau 06 năm chúng tôi đã đạt được mục tiêu này ở khu vực phía Nam. Năm 2015 tôi đặt mục tiêu sẽ trở thành công ty có doanh số lớn nhất VN về ngành giấy tissue vào năm 2030, nhưng bằng khát vọng to lớn và đam mê cháy bỏng, vào đúng ngày sinh nhật 10 chúng tôi đã rút ngắn thời gian và đặt mục tiêu phải hoàn thành nó trước năm 2024.
Một ví dụ nữa để bạn dễ hiểu. Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, bạn muốn chạy bộ để giảm cân và hôm nay bạn sẽ bắt đầu chạy nhưng bạn không đặt ra mục tiêu gì cả, cứ chạy được CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT. Khi chạy thế này thì tôi dám cá là bạn chỉ chạy được một vài 1-2km, cùng lắm 3km là bạn bỏ cuộc, bởi vì bạn đã cố hết sức của mình, đã sử dụng hết khả năng của mình nhưng chỉ chạy được có vậy. Nhưng nếu ngay từ đầu trước khi chạy bạn đặt mục tiêu mỗi ngày phải chạy được 7km thì sẽ khác, nó tạo ra một động lực và sức ép đủ lớn cho bạn chiến đấu. Mặc dù ngày đầu tiên bạn cũng chỉ chạy được 2km nhưng bạn biết là mình còn mục tiêu 7km để chinh phục, cứ như vậy bạn luyện tập ngày này qua ngày khác với mục tiêu là 7km thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ đạt được. Khi đạt được mục tiêu này rồi bạn hãy đặt mục tiêu chạy 10km, 15km… và chắc chắn bạn vẫn sẽ vượt qua được. Không đặt mục tiêu thì bạn sẽ không hình dung được thế nào là đạt mục tiêu. Mà đã đặt mục tiêu thì phải đặt cho lớn để khỏi mất công làm. Nghĩ lớn, làm thật tốt từng việc nhỏ để đạt được mục tiêu lớn và từ từ sẽ làm được những việc lớn.
Lưu ý mục tiêu và tầm nhìn nó phải phù hợp với năng lực, sở trường, điểm mạnh của bạn và DN của bạn. Đặt mục tiêu phải có cơ sở rõ ràng chứ không phải đặt cho vui, thích là đặt kiểu "không ai đánh thuế ước mơ, ko làm được thì cũng không sao cả!".

Thứ 3, Phải có một trái tim ấm nhưng lạnh lùng.
Nếu bạn để ý trong các bài viết tôi không sử dụng cụm từ “nhân viên’’ mà tôi dùng cụm từ “đội ngũ/ cộng sự’’, tôi không dùng từ “xin việc” mà là “hợp tác’’. Tôi không xem những người đến với TGG là để xin việc, họ đến là để hợp tác với chúng tôi, mọi người bình đẳng và sòng phẳng, không hề có cơ chế xin cho ở đây, phù hợp thì chúng ta hợp tác, không phù hợp thì chia tay. Tôi luôn nói với mọi người rằng “Đừng đến đây chỉ để hưởng lương căn bản, hãy đến đây để chiến đấu và làm cho bản thân mình trở nên có giá hơn”. Chính vì vậy chúng tôi luôn tạo điều kiện cho đội ngũ của mình làm việc, đào tạo cho họ mỗi ngày, không tiếc tiền để cho họ đi học, thuê chuyên gia về dạy… họ cũng có gia đình, con cái, bố mẹ vì vậy nếu họ khó khăn chúng tôi sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để họ giải quyết công việc của mình.
Ngược lại những người suốt ngày chống đối, đổ thừa, làm việc không có giải pháp mà suốt ngày đi sưu tầm lý do, đi ngược lại với văn hóa & giá trị cột lõi của cty thì phải cương quyết mời XUỐNG XE mà không cần phải chần chừ, do dự.

Thứ 4, Phải có tính kỷ luật.
Nếu ai đó nói với tôi “Anh ơi, hôm nay bố em vào/ mẹ em lên/ em của em vào nhập học…” thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho họ mà không cần phải có “Đơn nghỉ phép’’, nhưng nếu tôi phát hiện ai đó trốn việc thì đời coi như tàn. Vì theo tôi cho rằng vô kỷ luật đó là một tội ác. Chúng tôi không sử dụng chấm công nhưng nếu có ai đó bị phát hiện đi trễ thì lần thứ nhất nhắc nhở miệng kèm cam kết khắc phục; lần thứ 2 ăn biên bản và cắt hết mọi khoản thưởng, phụ cấp trong tháng; lần thứ 3 => lên đường. Với tôi, đi trễ cũng là một dạng ăn cắp vặt, thiếu tính cam kết và coi thường người khác.
Nếu tôi đến một nhà cung cấp nào đó mà sau 8h ông chủ vẫn còn mặc mỗi cái quần xà lỏn, còn ngái ngủ, đầu rối tóc xù thì dù có chất lượng tốt đến đâu, giá rẻ thế nào tôi cũng sẽ NÓI KHÔNG. Tôi ngồi nói chuyện với họ chẳng qua là vì giữ cho họ chút sĩ diện chứ trong đầu tôi đã có quyết định KHÔNG từ cái nhìn đầu tiên. Ông chủ lề mề cẩu thả, vô tổ chức, không có tính kỷ luật thì tại sao lại yêu cầu nhân viên tuân thủ, ngăn nắp? Đó là lý do tôi ít khi đến văn phòng làm việc sau 7h00 sáng.
Tôi cũng không có thói quen làm việc với những ông giám đốc mập quá khổ kiểu Kim Jong Un vì với tôi đó cũng là một phần của sự thiếu kỷ luật và vô trách nhiệm. Cái này tôi không nói sâu vì sẽ đụng chạm đến những người không cần đụng chạm.
Mỗi doanh nghiệp, đất nước trước khi muốn sống bằng văn hóa, ý thức tự giác thì phải sống bằng khuôn khổ và kỷ luật thép.

Thứ 5, Tư duy cởi mở nhưng quyết đoán.
Đã là CEO thì đừng bao giờ nói và cũng đừng phải tốn thời gian để nghe đội ngũ của mình nói những câu kiểu như “khó lắm, không được, không làm được đâu…” vì những câu nói này chỉ gây ức chế, mất thời giờ, gặp những người này tốt nhất hãy chặn miệng họ lại trước khi họ nói. Cởi mở lắng nghe mọi ý kiến, nhanh nhạy để nắm bắt cơ hội và xoay chuyển tình thế lúc khó khăn chứ không phải nghe để trở thành anh chàng đẽo cày giữa đường. Nghe giải pháp để cải thiện chất lượng và hiệu quả công việc chứ không phải nghe những lời than khóc để rồi chùn bước. Tôi luôn nói rằng “Người khác làm được thì mình làm được, thậm chí mình phải làm xuất sắc hơn. Đừng nói với tôi không làm được, tôi muốn nghe anh nói cần bao nhiêu người, bao nhiêu thời gian và bao nhiêu ngân sách để làm được việc đó?”. Nếu nói không làm được tức là anh đã ngồi sai vị trí, đã ngồi sai vị trí thì xin mời bước ra để cho người khác ngồi vào.

Xong 1/2 nội dung bài 9, còn 5 tố chất nữa của một người chủ DN cần có. Bạn có muốn đọc tiếp không? Nếu muốn thì hãy like, share, comment để tôi thấy bạn còn hứng thú và tôi sẽ viết tiếp phần 2 của chủ đề này. Nếu bạn không còn hứng thú với chủ đề này thì tôi sẽ viết qua chủ đề số 10.

[FROM MR. MAI QUỐC BÌNH - CEO THẾ GIỚI GIẤY]

Zalo