ĐỪNG CHỈ TẠO RA TÀI SẢN, HÃY TẠO THÊM DI SẢN.

Một trong những mục tiêu quan trọng của người lập nghiệp là tạo ra thật nhiều tài sản để có được sự sung túc về tài chính, thậm chí là tự do về thời gian vì có tài sản thay mình tạo ra thu nhập. Tài sản chính là những gì một người gặt hái được. Tuy nhiên “người đời không ghi nhận về những gì ta nhận được, mà chỉ ghi nhận và nói về những gì mà ta cho đi”. Bạn có thể thấy người ta không bàn về độ giàu có của Bill Gates, Steve Jobs; nhưng tư tưởng, cách sống, những phát minh, những tổ chức từ thiện của họ luôn được người đời nhắc đến. Đó cũng là lý do vì sao một người cần tạo thêm di sản để có một sự nghiệp toàn vẹn.

Vậy di sản là gì? John Maxwell từng nói đi sản chính là “những hạt mầm thành công mà ta để lại cho những thế hệ sau”. Hạt mầm thành công đó bao gồm nhiều khía cạnh, có thể đơn giản là phương pháp lập nghiệp, là nguyên tắc đạo đức, là triết lý sống, hoặc vĩ đại hơn đó là những phát minh, những tổ chức phi lợi nhuận giúp thay đổi và làm cuộc sống xung quanh trở nên tốt hơn. Thế hệ sau cũng không phải đơn thuần là thế hệ con cháu, mà là những anh em lập nghiệp đang đi phía sau mình. Lúc nào trên những nấc thang lập nghiệp, khi ta bước lên một nấc thang mới, cũng có những người ở nấc thang bên dưới cần một bàn tay ta kéo lên.

Vậy khi nào cần tạo ra di sản? Thời điểm tốt nhất là ngay bây giờ. Thứ nhất, di sản không phải là thứ đơn thuần làm ngày một ngày hai là xong. Những vĩ nhân viết sách, có thể họ hoàn thành cuốn sách trong 1 tháng, nhưng họ mất cả đời để tích lũy trải nghiệm và trở nên thông thái hơn trong cuộc sống. Thứ hai, bản thân tôi và bạn không thể biết được mình sống đến bao nhiêu tuổi, nên ngày mai có thể không bao giờ đến. Vì vậy hãy nghĩ về những gì mình muốn người ta nói về mình và thực hiện nó ngay hôm nay.

Có cần thiết phải tạo ra di sản? Tạo ra di sản là một sự lựa chọn, ta có quyền chọn hoặc không. Nhưng đối với tôi, đó là điều cần thiết phải làm. Tạo di sản cho xã hội có thể không làm, nhưng tạo di sản cho con cái là điều bắt buộc phải làm. Mỗi người cha, người mẹ chí ít cũng nên là một tấm gương về đạo đức, nhân cách cho con cái mình noi theo, đó là một dạng di sản tinh thần. Và nếu để lại thêm sự nghiệp mà con cái có thể tiếp tục và phát triển, điều đó lại càng tuyệt vời hơn nữa. Nếu tinh ý, bạn dễ dàng thấy rất nhiều thế hệ con cái không muốn đi theo con đường của bố mẹ, hoặc không lấy bố mẹ làm một hình mẫu, cho dù bố mẹ cũng là người thành đạt trong xã hội. Lý do ở đây, đó chính là những người cha người mẹ trên con đường tạo ra tài sản, đã quên mất việc tạo ra di sản, vì vậy họ dù thành đạt thế nào thì sự thành đạt này cũng không trọn vẹn và chưa chắc đã tồn tại lâu dài.

Tôi đã làm gì để tạo ra di sản? Có 3 loại di sản mà tôi xác định cần phải xây dựng cho sự nghiệp của mình.

Di sản tinh thần, nói ngắn gọn chính là tính cách đặc trưng của tôi, là điều mà mọi người hay nói về tôi, cũng như điều mà các thế hệ sau lấy làm gương. Đây là thứ di sản nằm trong quyết định của mỗi người. Tôi lựa chọn “trung thực” và “nhất quán” là di sản tinh thần của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi cũng cam kết giữ tính trung thực trong từng lời nói và nhất quán trong từng hành động của mình.

Di sản mối quan hệ, chất lượng cuộc sống được quyết định bởi chất lượng các mối quan hệ, như ông bà ta nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Chọn đúng người để lấy, thầy để học và bạn để chơi thì cuộc sống của một người sẽ trọn vẹn hơn. Do đó, một trong những công việc ưu tiên mỗi ngày của tôi, đó là mở rộng một cách có chọn lọc số lượng và chất lượng các mối quan hệ của mình.

Di sản sự nghiệp, “nhiều gia đình muốn có người nối nghiệp, nhưng họ lại quên mất mình không có nghiệp gì để thế hệ sau nối”. Đối với tôi, công việc hành chính mặc dù rất tốt, nhưng dù sao đi nữa cũng chỉ là một việc làm công, người ta cho mình công việc thì cũng có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay từ những năm đầu lập nghiệp, tôi cũng đã bắt tay xây dựng công việc kinh doanh cho riêng mình. Công việc kinh doanh cũng được tôi lựa chọn kỹ trong rất nhiều cơ hội, đó phải là việc mang tính chất hợp pháp, lâu dài, giúp tôi giữ vững tính cách trung thực, nhất quán và chắc chắn phải mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

Một điều mà tôi đúc kết được trong quá trình lập nghiệp, đó là khi tập trung tạo ra tài sản, có thể ta sẽ không tạo được di sản, nhưng nếu tập trung vào việc tạo ra di sản, ta chắc chắn sẽ có những tài sản lớn. Tôi trải nghiệm điều đó rất rõ trong suốt chặng đường lập nghiệp của mình, tôi đã từng bỏ qua rất nhiều cơ hội làm việc để giúp mình gia tăng thu nhập trong ngắn hạn, chỉ để có thêm thời gian cho việc xây dựng năng lực bản thân và tạo dựng những mối quan hệ tốt. Tôi cũng bỏ qua những cơ hội đầu tư ngon ăn để dùng dồn vốn (bao gồm cả tiền bạc, thời gian và chất xám) cho việc phát triển doanh nghiệp của riêng mình. Giờ đây, khi mới bước qua tuổi 30, tôi có một sự nghiệp vững chắc và một doanh nghiệp gần 10 năm tuổi đang phát triển từng ngày. Nhưng điều mà tôi hạnh phúc hơn hết là nhìn thấy thế hệ con cái trưởng thành và nhìn mình như một tấm gương để học hỏi theo. Hiếm có gia đình nào, mà người mẹ lại nói với con mình một cách tự hào “mai mốt lớn lên con phải trở thành một người giống ba nha”.

Bạn thân mến, bạn cũng đang tạo ra những di sản cho mình trong quá trình tạo dựng tài sản chứ? Nếu có, hãy cùng chia sẻ với tôi những di sản mà bạn đang tạo dựng là gì, và làm cách nào bạn xây dựng nó nhé!

Cho sự thành công của bạn!

[FROM MR. NGUYỄN LONG HẢI- CEO BUSINESS BUILDER WORLDWIDE]

Zalo